Nhãn là giống cây ăn quả thân gỗ lâu năm, có tán rộng, kích thước và chiều cao của nhãn còn tùy thuộc vào từng phương pháp nhân giống. Thông thường kỹ thuật nhân giống Nhãn bằng hạt thì cây sẽ cao hơn so với phương pháp ghép hay chiết tuy nhiên hiệu quả cây giống không cao. Tùy vào nhu cầu, giống cây, các yếu tố kỹ thuật và thói quen canh tác mà bà con có thể lựa chọn các giống và kỹ thuật nhân giống Nhãn phù hợp.
Phương pháp Gieo hạt
Gieo hạt Nhãn là cách thức sử dụng Hạt của quả nhãn sau khi đã tách vỏ, đem gieo trồng nhân giống ra cây con. Hiện nay phương pháp này chủ yếu để làm gốc ghép, rất ít khi sử dụng để nhân giống trực tiếp bởi chúng dễ làm mất đi hoặc không duy trì được đặc tính ban đầu của cây mẹ.
Hạt nhãn lấy về cần xử lý gieo ngay. Bà con tiến hành Ngâm hạt nửa ngày, vớt ra, ngâm vào nước vôi trong, sau 2-3 giờ vớt ra, ủ vào đất cát ẩm 2-4 ngày. Khi ngâm hạt nhãn bắt đầu nhú ra mầm thì tiến hành đem gieo trên đất tơi xốp.
Phương pháp Ghép mắt
Ghép mắt là phương thức hiệu quả được đánh giá rất cao nhờ khả năng hiệu quả của mắt ghép, cây phát triển nhanh, mang nhiều đặc tính của cây ghép. Phương pháp này sẽ giúp bà con lựa chọn được mắt ghép và giống cây ưng ý, nếu đáp ứng được các yếu tố dưới đây, kết quả nhân giống sẽ đạt tối đa.
Chọn cành ghép
Cành có độ tuổi từ 2 – 3 tháng (đối với ghép cành), 4 – 7 tháng (đối với ghép mắt), nằm ở giữa tầng tán, phơi ngoài ánh sáng. Cành ghép được chọn nên có từ 2 đến 3 đợt lộc, vì những đợt lộc này có rất nhiều mắt ngủ, khả năng bật chồi sau khi ghép sẽ nhanh hơn. Cây chọn lấy cành ghép phải là những giống thuần, được công nhận về chất lượng và mẫu mã quả, sinh trưởng khỏe mạnh, ít sâu bệnh, cho quả sai, to, ngon, ngọt.
Chọn mắt ghép
Bà con cần phải lựa chọn những mắt giống từ các cây mẹ sạch sâu bệnh, chất lượng tốt và sai quả. Cành lấy mắt là những cành bánh tẻ (có lá đã chuyển lục đều, không già, không non, vỏ cành là những vệt nâu xen vệt xanh), mọc ngang tán trở xuống, không bị sâu bệnh. Mắt ghép là những chồi non nhú ra từ nách lá.
Cần chú ý là lấy mắt ghép trong giai đoạn cây nhãn cho năng suất ổn định và không lấy từ những cây già cỗi hoặc những cành còn non. Nếu vận chuyển xa cành ghép cần phải được bảo quản trong điều kiện mát ẩm.
Phương pháp Chiết cành
Là phương pháp nhân giống phổ biến nhất vì cây chiết có nhiều ưu điểm như mau cho trái, cây con giữ được đặc tính tốt của cây mẹ, có bộ rễ ăn cạn nên thích hợp với vùng đất có mực thủy cấp cao như ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Tuy nhiên, cây chiết cũng có mặt hạn chế là cây mau già, dễ bị đổ ngã nếu bị gió bão vì bộ rễ ăn cạn, phương pháp này có hệ số nhân giống thấp,…
Chọn cành chiết
- Chọn cây mẹ có năng suất cao, ổn định, có phẩm chất tốt, ít sâu bệnh.
- Chọn cành bánh tẻ (tiếp giáp phần già và phần non), không sâu bệnh từ nửa tán cây trở lên ngọn. Nếu chọn cành trong tán cây, cành vượt, thì sẽ lâu ra rễ, cây con khi đem đi trồng sẽ chậm phát triển.
Cách chiết cành
- Dùng dao bén khoanh vỏ đoạn cành định chiết, bề rộng vết khoanh 1-2cm, cách ngọn cành 0,5-1m tùy theo giống. Đối với giống sinh trưởng mạnh thì chiết cành nhỏ, ngắn, còn giống sinh trưởng chậm thì chiết cành lớn hơn.
- Bóc hết vỏ đoạn cành vừa khoanh, cạo sạch rồi dùng lá Nhãn hoặc nylon quấn kín đoạn khoanh lại, một tuần sau lấy nylon ra và bó bầu. Bầu đất có thể làm bằng rơm trộn bùn non hoặc rễ lục bình, bột xơ dừa, tro trấu trộn phân mục,…
Trong mùa mưa, dùng mụn xơ dừa có lợi thế là lâu mục và không quá ẩm thích hợp cho rễ phát triển. Sau 2-2,5 tháng kể từ khi bó bầu ta thấy rễ mọc ra, khi rễ có màu vàng nâu là có thể cắt xuống giâm trong bầu đất hoặc giỏ tre, 15-30 ngày sau cây con sẽ ra đọt non trở lại. Đợi đến khi đọt này già đi mới đem trồng. Bầu đất để giâm cây con nên trộn với mụn xơ dừa, một ít phân chuồng hoai mục giúp cây mau bén rễ. Cành chiết trước khi vô bầu đất nên được cắt bớt lá, mỗi cành chỉ chừa 2-3 cặp lá chét.
Phương pháp Tháp bo
Đây là phương pháp đang được nông dân sử dụng để cải tạo những vườn Nhãn cũ. Thường tháp bo Nhãn tiêu da bò hoặc Nhãn xuồng lên gốc long Nhãn, sau khi xác định việc tháp bo đã thành công thì tiến hành cắt bỏ toàn bộ tán cây Nhãn long phía trên chỗ tháp. Cây Nhãn long 1-2 năm tuổi thì có thể tháp trực tiếp lên gốc, cây lớn hơn thì tháp lên cành, nhưng không nên tháp ở vị trí cao và cành lớn vì dễ bị tét, gãy nhánh sau này.
Đối với gốc Nhãn già thì cưa gốc để cây mọc tược non, khi các tược này già thì tháp bo lên được. Cành phát triển từ bo được tháp sẽ tăng trưởng nhanh gấp 2-3 lần so với trồng bằng cây con.
Ngoài phương pháp nhân giống cây nhãn phổ biến mà Giống Cây Ăn Quả giới thiệu trên đây còn có nhiều bài viết kinh nghiệm về chăm sóc cây trồng khác. Bạn có thể tham khảo các kinh nghiệm hay có bất cứ câu hỏi, thắc mắc, đừng ngần ngại liên hệ với Chúng tôi để được tư vấn, giải đáp rõ hơn nhé.