CHUYÊN MỤC

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Nhãn sai trĩu quả

Hiện nay cây Nhãn rất đa dạng về chủng loại, mỗi loại đều cần một phương pháp trồng chuẩn. Sau đây là kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Nhãn cũng như các loại sâu bệnh hại và cách phòng trừ tốt nhất để người trồng có những vụ Nhãn bội thu.

Cây nhãn

Cây nhãn

Điều kiện trồng cây Nhãn

Khí hậu

Nhiệt độ thích hợp cho Nhãn sinh trưởng và phát triển là từ 21-27oC; mùa hoa nở cần nhiệt độ cao 25-31oC; Mùa Đông cần một thời gian nhiệt độ thấp để phân hóa mầm hoa. Nhãn là cây ưa trảng, nếu bị rợp cây cho ít trái, chỉ những cành nhận đầy đủ ánh nắng mới cho trái tốt.

Đất đai

Nhãn có tính thích ứng rộng, có thể trồng trên nhiều loại đất từ vùng nước ngọt quanh năm đến vùng nhiễm mặn. Tuy nhiên, đất trồng Nhãn thích hợp nhất là đất cát, cát pha, cát giồng, đất cồn và phù sa ven sông, đất có độ pH từ 5-7. Nhãn không thích hợp trên đất sét nặng.

Thời vụ trồng

Nếu có đủ nước tưới thì nên trồng vào cuối mùa mưa, khoảng tháng 10-11dương lịch vì mùa nắng cây có đầy đủ ánh sáng sẽ phát triển tốt hơn. Nếu trồng vào mùa mưa, khoảng tháng 5-6 dương lịch thì cần chú ý thoát nước vì nếu mưa nhiều thì đất sẽ bị lèn,…Nhãn bị chết do nghẹt rễ.

Chọn giống

Hiện tại trên thị trường có nhiều giống Nhãn khác nhau như Nhãn tiêu da bò, Nhãn Thái ido, Nhãn giồng da bò, Nhãn xuồng cơm vàng… Bạn có thể chọn giống tùy vào điều kiện và sở thích.

  • Nhãn tiêu da bò: Có các giống như tiêu huế, tiêu lá bầu, tiêu đường,… là những giống Nhãn đang được nhà vườn ưa chuộng do có nhiều ưu điểm như cây phát triển nhanh, năng suất cao, dễ xử lý ra hoa trái vụ, 2 năm có thể cho 3 vụ trái. Trái chín có màu da bò, cơm khá dày hơi dai, ít nước, ngọt vừa, ít mùi thơm.
  • Nhãn long: Là giống Nhãn dễ trồng, cho năng suất cao, mỗi năm cho 2 vụ trái; nhưng phẩm chất không cao, không được ưa chuộng do hạt to, cơm mỏng, nhiều nước,…
  • Nhãn giồng da bò: Trồng chủ yếu ở những vùng đất cát giồng, là giống Nhãn có phẩm chất khá ngon, cơm ráo, dày cơm. Nhãn giồng mỗi năm chỉ cho 1 vụ trái nên năng suất không cao.
  • Nhãn xuồng cơm vàng được bà con khá ưa chuộng do rất dày cơm, trái to nhưng năng suất cũng không cao.

Ngoài ra còn có các giống Nhãn khác như Super, Nhãn hồng, thái long tiêu, Dona, Hưng Yên, Nhãn lồng, Nhãn đường phèn, Nhãn nước, Nhãn Vĩnh Châu,… Giống nhập nội: Đại Ô Viên, Nhãn Thạch Hiệp (Trung Quốc),…

Chọn cây nhãn giống ngon, khỏe mạnh, không sâu bệnh

Chọn cây nhãn giống ngon, khỏe mạnh, không sâu bệnh

Kỹ thuật trồng cây Nhãn

Chuẩn bị đất trồng

Bộ rễ Nhãn chịu nước kém, nếu bị ngập trong thời gian dài sẽ bị thối rễ, chết cây. Do đó, muốn trồng Nhãn cần chú ý đến việc bờ bao, cống bọng thoát nước cho Nhãn trong mùa mưa lũ. Nên trồng Nhãn trên mô đất, mô đất đắp thành hình tròn rộng 60-80cm, cao 50-70cm. Đất trong mô trộn với 10-15kg phân chuồng hoai, tro trấu, 0,5kg phân lân và nên chuẩn bị mô từ 15-30 ngày trước khi trồng.

Do đất ở ĐBSCL thấp nên trồng cây ăn trái phải đào mương, lên liếp. Tùy theo độ cao của vườn mà đào mương sâu hay cạn, liếp rộng hay hẹp. Thường liếp rộng 8m, mương rộng 3-4 m, sâu 1-2 m.

Khoảng cách

Khoảng cách trồng tùy thuộc vào đất đai và mô hình trồng, có thể chọn khoảng cách thích hợp là 6x5m, 6x6m, tương đương khoảng 300-350cây/ha. Trong những năm đầu, khi cây chưa giao tán, có thể trồng xen những cây ngắn ngày như rau, đậu, đu đủ…

Cách trồng

Khoét lỗ trên mô vừa với bầu cây con, nhẹ nhàng xé bỏ bọc nylon rồi đặt bầu cây vào lỗ sao cho cổ rễ bằng hoặc thấp hơn mặt đất 2-3cm, lấp đất lại vừa khuất mặt bầu, ém đất xung quanh gốc, cắm cọc để buộc cây con vào (để tránh rễ bị lung lay dễ làm đứt rễ, cây con phát triển kém, nếu đứt nhiều rễ, cây sẽ chết) và tưới đẫm nước, sau đó thường xuyên giữ ẩm cho cây.

Kỹ thuật trồng nhãn

Trồng nhãn đòi hỏi phải đúng kỹ thuật

Kỹ thuật chăm sóc cây Nhãn

Sau khi trồng cần phủ gốc và tưới ẩm thường xuyên đến khi cây ra lá ổn định. Vùng có gió bão nên cắm cọc và buộc chặt cây để không bị lay gốc khi cây còn nhỏ. Khi cây lên cao được 80 – 100cm cần bấm bỏ ngọn để cây phát sinh cành bên. Hàng năm cần cắt tỉa những cành không cần thiết như cành vượt, cành tăm, cành sâu bệnh,… nên tỉa vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 (vào thời gian sau vụ thu hoạch quả) vào những ngày nắng.

Cây Nhãn cần được bón phân đầy đủ và với tỷ lệ phù hợp. Tỷ lệ các loại phân NPK sử dụng cho hiệu quả tốt nhất đối với Nhãn là 1:0,5:1 hoặc 1:1:2. Trong ba năm đầu cần bón với lượng 0,2 – 0,4kg ure, 0,5 – 0,7kg super lân và 0,3 – 0,5kg kali clorua/năm. Với vườn Nhãn nhiều năm tuổi, cứ cho 100kg quả tươi/năm thì có thể bón với lượng phân 2kg N + 1kg P2O5 + 2kg K2O (tương đương với 4,2kg Urê + 5,5kg Supe lân + 4kg Cloruakali).

Khi đất ẩm chỉ cần rải đều phân trên mặt đất theo hình chiếu của tán, sau đó tưới nước để hòa tan phân. Khi trời khô hạn cần hòa tan phân trong nước để tưới hoặc rải đều phân theo hình chiếu của tán, xới nhẹ đất và tưới nước.

Cần thường xuyên làm cỏ để tránh cạnh tranh dinh dưỡng, hạn chế sự cư trú, xâm nhập của sâu bệnh gây hại. Kết hợp xới xáo đất giúp đất thông thoáng nhằm giúp bộ rể tăng cường trao đổi chất, không dùng cuốc lưỡi và không xới sâu vì làm tổn thương bộ rễ.

Kỹ thuật điều khiển sự ra hoa của cây Nhãn theo ý muốn

Cắt bớt đọt cành cũ dài khoảng 10-20 cm kể từ đọt cành để kích thích cây ra đọt mới. Sau khi cắt 10-15 ngày nhánh sẽ ra đọt non đầu tiên lúc này tiến hành bón phân. Khoảng 10-15 ngày sau khi cắt, cành sẽ cho ra đọt non đầu tiên, bón phân cho cây. Khi lá đọt non bắt đầu chuyển sang màu xanh thì tiến hành khoanh vỏ để kích thích cho cây ra hoa.

Dùng dao hay cưa khoanh vỏ theo đường xoắn ốc (hai đầu vết khoanh không liền nhau) trên cành chính, chiều rộng vết khoanh khoảng 5mm, cạn để cành mau tái tạo tượng tầng libe gỗ (sau 1-1,5 tháng là vừa). Có thể dùng dây nylon hay băng keo băng vết khoanh lại để hạn chế cành liền vỏ nhanh làm giảm ảnh hưởng ra hoa. Tránh khoanh gốc vì cây dễ bị suy kiệt và chết.

Chú ý chỉ khoảng 2/3 hoặc ¾ số cành. Chừa lại một cành để nuôi rễ. Sau khi khoanh vỏ tưới nước thường xuyên, hạn chế bón phân (nhất là phân đạm) trong giai đoạn này vì sẽ làm cây ra lá nhiều hơn ra hoa. Bắt đầu bón phân trở lại sau khi trái có đường kính khoảng 1 cm. Thời gian khoanh gốc đến ra hoa khoảng 1-1,5 tháng.

Điều khiển cây nhãn ra hoa

Điều khiển cây nhãn ra hoa

Để tránh làm cây suy yếu cần lưu ý các điểm sau:

  • Thời điểm khoanh vỏ phải thích hợp: giai đoạn lá non vừa chuyển màu xanh nhạt.
  • Cung cấp phân bón đầy đủ trong năm.
  • Có thể dùng các loại thuốc gốc đồng quét lên vết khoanh để tránh nhiễm trùng. Ngoài ra, nông dân còn xử lý ra hoa bằng cách phun KNO 3  1% lên mầm hoa (sau khi đọt ra lá lụa). Mỗi năm chỉ nên xử lý một lần vào vụ nghịch, đối với chính vụ thì chí cắt tỉa cành, bón phân, tưới nước giúp cây ra hoa tự nhiên. Đối với Nhãn Tiêu da Bò có thể xử lý 2 vụ trong một năm ruỡi.

Phòng trừ sâu bệnh hại cây Nhãn

Bọ xít

Ngắt các ổ trứng trên lá, diệt bọ xít khi cây có quả non, Phun Basudin 0,2% hoặc Diazinnon 0,04%; Dipterex 0,015-0,1%, Trebon 0,15-0,2% (Phun 2 đợt liền nhau cách nhau một tuần vào khoảng cuối tháng 4).

Sâu tiện thân Nhãn

Phải dùng dao nhọn khoét lỗ sâu có thể dùng gai mây hoặc sợi dây thép ngoáy vào trong lỗ kéo sâu ra hoặc bơm Politrin hay Sumicidin (0,2%) vào trong lỗ sâu, dùng nước vôi đặc quét lên thân cây không cho sâu trưởng thành đẻ trứng.

Rệp sáp

Khi thấy rệp xuất hiện nên dùng Sherpa; Trebon hoặc Actara phun đều lên tán chủ yếu vào các chùm hoa, quả.

Dơi

Bó các chùm Nhãn trong giấy cứng, bao cói, mo cau, túi PE để bảo vệ quả.

Rầy hại hoa

Dipterex 0,2% và Trebon 10 ND 0,15 – 0,2%.

Dòi đục cành hoa

Phun bằng Monitor 0,2%, Trebon 0,15%.

Bệnh sương mai (mốc sương)

Phun Bordeau 1% hoặc Ridomil – MZ 0,2%, Anvil 0,2%, Score 0,1%, hoặc hỗn hợp Ridomil – MZ 0,2% + Anvil 0,2%. Phun 2 lần (lần 1: khi cây ra giò; lần 2: khi giò hoa nở 5-7 ngày).

Bệnh vàng lá

Bệnh vàng lá chết đứng do các nguyên nhân: Do nấm hại rễ; Do trồng quá sâu; Do mất cân bằng dinh dưỡng vì bón quá nhiều đạm. Cần phải bón cân đối đạm, lân, kali.

Xỉ than

Nếu trồng sâu cần cào bới đất ra. Nếu do nấm thì dùng BenlatC hoặc Rizocid lượng dùng 8-10 lít thuốc đã pha tưới vào gốc cây.

Thu hoạch quả Nhãn

Khi vỏ quả chuyển từ màu nâu hơi xanh sang màu nâu sáng, vỏ quả hơi sù sì hơi dày chuyển sang mọng và nhẵn, bóc quả xem thấy hạt có màu nâu đen (trừ giống có hạt màu đỏ) thì có thể thu hoạch. Nên thu hoạch quả vào ngày trời tạnh ráo, vào buổi sáng và buổi chiều, tránh thu hoạch vào đúng giữa trưa khi trời quá nóng. Không cắt trụi hết cành lá của cây vì có thể ảnh hưởng đến khả năng nảy lộc vụ sau.

Thu hoạch nhãn chính vụ

Thu hoạch nhãn chính vụ

Đối với những cây Nhãn có tình trạng sinh trưởng khỏe hoặc đối với những giống chín sớm, cắt chùm quả có kèm theo một đoạn cành quả chỗ có lá mọc sít nhau. Đối với những cây Nhãn có tình trạng sinh trưởng yếu hoặc đối với những giống chín muộn, cắt chùm quả không kèm theo lá của cành quả. Khi thu hoạch quả, nên có thang và sử dụng kéo cắt chùm quả để tránh gãy cành.

Chúc bạn có mùa nhãn Bội thu!

CÁC TIN LIÊN QUAN