CHUYÊN MỤC

Kỹ thuật trồng cây Cam sành ngon ngọt, sai trĩu quả, mọng nước

Cam Sành được mọi người biết đến như một trái cây đặc sản nổi tiếng của Việt Nam. Trái Cam Sành còn được lòng mọi người bởi hương vị ngon ngọt và mát dịu. Đối với những ai đang có nhu cầu tìm hiểu về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Cam Sành thì những thông tin dưới đây thực sực sẽ giúp ích cho bạn.

Kỹ thuật trồng cây Cam sành sai trĩu quả

Kỹ thuật trồng cây Cam sành sai trĩu quả

Quả Cam Sành rất dễ nhận biết so với các loaị cam thường nhờ lớp vỏ dày, sần sùi giống bề mặt mảnh sành, và thường có màu lục nhạt (khi chín có sắc cam), các múi thịt có màu cam. Đối với cây giống đạt tiêu chuẩn, thời gian trồng cho đến lúc ra quả là khoảng 24 tháng.

Kỹ thuật trồng cây Cam sành

Cam sành dễ thích ứng với nhiều điều kiện đất đai và khí hậu khác nhau, có thể được trồng từ vùng núi cao của Tây Nguyên cho đến các vùng trung du thấp. Điều quan trọng là đất trồng cam cần phải được chăm sóc cẩn thận và tuân theo một số yếu tố kỹ thuật quan trọng.

Đất trồng

Việc chọn đất trồng cam Sành nên được thực hiện một cách kỹ lưỡng. Đất cần phải có độ sâu từ 0.5 đến 1 mét và độ pH dao động trong khoảng từ 5 đến 6.5. Lượng mưa phân bố cần đạt từ 1000 đến 2000mm mỗi năm và quan trọng hơn, phân bố đều trong suốt mùa cây trồng.

Nếu bạn lựa chọn trồng cam ở vùng đất trũng thấp, việc đào mương và xây dựng luống trồng là không thể bỏ qua. Ngược lại, nếu bạn định trồng ở vùng đất cao, hãy xem xét việc đánh bồn để thuận tiện cho việc tưới nước trong mùa khô và giữ độ ẩm cho cây cam sành.

Chọn cây giống Cam Sành

Hiện nay giống Cam Sành chủ yếu được nhân giống bằng 2 phương pháp:  ghép và chiết, Cam Sành chiết thường mau ra quả hơn, nhưng nhanh cỗi, bộ rễ yếu. Trong khi đó Cam Sành ghép thường có bộ rễ khỏe mạnh, thời gian khai thác lâu hơn, kỹ thuật nhân giống đơn giản và giá thành cây giống rẻ hơn, tiết kiệm hơn.

Khi chọn cây giống Cam Sành, bà con nên chọn những cây khỏe mạnh có lá to, đồng đều, xanh tốt. Không có dấu hiệu của sâu bệnh. Đường kính thân từ 0,5cm, mắt ghép phát triển cân đối, không bị u sần, biến dạng. Chiều cao cây từ 50-70cm tính từ mặt đất.

Cây Cam Sành giống tại vườn ươm

Cây Cam Sành giống tại vườn ươm

Thời điểm trồng Cam Sành

Như các loại cây trồng khác, thời vụ trồng Cam Sành thích hợp nhất để  thường là vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa (Tháng 4 – tháng 6 DL). Tuy nhiên nếu có điều kiện tưới nước, bà con cũng có thể trồng quanh năm. Tuy nhiên công tác chăm sóc thường sẽ khó khăn hơn, nhất là vào mùa khô hạn

Khoảng cách cây và kích thước hố trồng Cam Sành

Để đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất, bà con nên chuẩn bị khâu này một cách kỹ lưỡng và chu đáo. Khoảng cách trồng Cam sành giữa các cây: 6m x 5m hoặc 5m x 4m. Kích thước hố trồng phù hợp để Cam Sành sinh trưởng và phát triển tốt là: 40cm x 40cm x 40cm, hoặc 60 x 60 x 60 cm.

Cách chăm sóc cho cây Cam Sành

Ngoài đáp ứng các yếu tố kỹ thuật như đất trồng, cây giống, khoảng cách trồng và cách trồng hợp lý, bạn cần chú ý thêm về cách chăm sóc Cam sành sao cho hợp lý, đúng kỹ thuật, giúp cây ra sai hoa, đậu quả và trái thơm ngon, năng suất đạt cao nhất.

Bón phân cho cây Cam Sành

Bà con có thể kết hợp tỉ lệ hỗn hợp phân sau đây để bón cho cây trước khi trồng: 30 – 40 kg phân chuồng hoai mục; 0,3 – 0,5kg lân và 0,1-0,2kg kali. Khi đào hố, bà con nên để riêng lớp đất mặt và đất giữa. Trộn đều số phân và lượng đất trên với nhau. Tiếp đó trải lớp đất dưới xuống hố, rồi cho hỗn hợp phân và đất vào hố.

Sau đó, trộn 0,5 – 1kg vôi bột rải lên mặt hố rồi lấp lại bằng một lớp đất mỏng. Bà con nên bơm nước vào đầy hố. Sau 10 – 15 ngày thì bón thuốc sâu bột vào hố, trộn đều. Khoảng 15 ngày sau có thể tiến hành trồng Cam Sành được.

Trong trường hợp không có phân chuồng có thể sử dụng phân hữu cơ sinh học để trồng Cam Sành từ 10 – 15 kg/hố. Còn nếu dùng phân xanh thì phải ủ trước 2 -3 tháng với vôi trước khi trồng.

Tưới nước cho cây Cam Sành

2 ngày sau khi trồng, bà con nên tưới nước 1 lần để đảm bảo cây đủ khỏe để hút chất dinh dưỡng nuôi cây. Sau 5 – 7 ngày tưới 1 lần nữa. Đặc biệt, những lúc ít mưa nên tưới 3 – 5 ngày 1 lần. Nếu bà con trồng vào dịp trời mưa, nên tiến hành thoát nước ngay, không để Cam Sành bị ngập úng. Quá trình chăm sóc và tưới nước là yếu tố quan trọng giúp cam sành phát triển mạnh mẽ, ra nhiều hoa, tăng khả năng đậu quả và trái mọng nước hơn

Vệ sinh, dọn dẹp vườn

Thường xuyên làm sạch cỏ và trồng cây xen che phủ đất, giữ ẩm, hạn chế cỏ dại theo phương châm lấy ngắn nuôi dài (có thể trồng chuối trong 2 -3 năm đầu)

Tạo tán cho cây Cam Sành

Đối với cây ghép được tiến hành như sau: Khi chồi mắt ghép cao 30-40 cm thì bấm ngọn tạo cành cấp 1. Khi cành cấp 1 dài 30-40 cm bấm ngọn để tạo cành cấp 2, từ các cành này mọc ra cành cấp 3. Nên để 3-4 cành cấp 1; 6-8 cành cấp 2 và 12-16 cành cấp 3 để tạo cho cây có tán hình mâm xôi, thấp cây dễ chăm sóc. Thời kỳ nụ hoa, quả non: tỉa hoa dị hình, quả ra muộn. Thời kỳ đậu quả 1-2 tuần: phun bổ sung chất dinh dưỡng và nguyên tố vi lượng.

Cắt tỉa tạo tán cho cây Cam Sành

Cắt tỉa tạo tán cho cây Cam Sành

Xử lý ra hoa cho cây Cam Sành

Ngưng tưới và rút nước mương (nếu có) khoảng 2-4 tuần cho đến khi cây vừa “xào lá” (lá hơi héo vào buổi chiều nhưng sáng mai không tươi lại hoàn toàn). Sau đó tưới nước đẫm lại ba ngày liền, ngày tưới hai lần. Ngày thứ tư thì tưới mỗi ngày/lần.

Sau khi tưới nước lại bộ lá tươi trở lại, pha 35ml RA HOA C.A.T + 15g F.Bo/8 lít hoặc kích phát tố hoa trái Thiên Nông 7g + 15g F.Bo/8 lít , phun sương đều tán cây và trong thân cây hai lần (5 ngày/lần) thúc ra hoa đồng loạt, sau khi cây ra đọt non tưới hai ngày/lần.

Chăm sóc Cam Sành sau thu hoạch

Cam Sành sau thu hoạch cần được chăm sóc, vệ sinh, cắt tỉa, phòng trừ sâu bệnh để cây tiếp tục phát triển và cho mùa bội thu sau.

  • Tiến hành làm sạch cỏ dại, sau 25 – 30 ngày thu hoạch cắt tỉa các cành sâu bệnh, cành tược, khô héo, cành tăm hương, mọc không đúng hướng…
  • Quét vôi vào gốc cây ngăn sự cư trú của sâu bệnh.
  • Phòng trừ sâu bệnh bằng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp: bón phân đầy đủ, cân đối, kịp thời, bón đúng kỹ thuật, phun thuốc đúng lúc, đúng cách.

Sâu bệnh hại cây Cam Sành và biện pháp phòng trừ

Giống các loại cây họ cam có múi khác, một số đối tượng sâu bệnh hại thường gặp trên cây cam Sành như: Sâu vẽ bùa, Nhện đỏ và nhện trắng, Sâu đục thân, đục cành, Ruồi vàng gây hại và các loại nấm bệnh khác. Bà con cần kiểm tra thường xuyên, phát hiện bệnh và xử lý triệt để, tránh để bệnh lây lan trên diện tích rộng, gây thiệt hại cây trồng và năng suất

Sâu vẽ bùa (Phyllocnistis citrella)

Sâu vẽ bùa trên cam Sành có tên khoa học là Phyllocnistis citrella, chúng còn gọi là Sâu non đục vào lá cam, gây nên những đường ngoằn ngoèo, thường đi chung với bệnh loét gây nên.

Tỉa cành, bón phân hợp lý, điều khiển sự ra chồi sao cho đồng loạt để hạn chế sư lây nhiễm liên tục trong năm. Phòng trừ bằng cách phun thuốc sớm ngay từ giai đoạn cây ra lộc non. Sử dụng 1 trong các loại thuốc: Phosphomidon, Dimethoate, Trigard, Abamectin và Dimilin có hiệu qủa phòng trị tốt sâu vẽ bùa. Bên cạnh các loại thuốc hóa học thì hiệu quả của dầu khoáng đối với sâu vẽ bùa cũng đã được khẳng định.

Phun thuốc tự động cho cây Cam Sành trên diện tích lớn

Phun thuốc tự động cho cây Cam Sành trên diện tích lớn

Sâu đục thân, cành

Một loại khác gây hại đặc biệt đó chính là Sâu đục thân, chúng đục rỗng thân cành gây chảy mủ, cành chết. Sau đó Sâu đùn mạt cưa ra ngoài miệng hang, nhẹ thì ở cành nhỏ ta có thể chặt bỏ, nếu ở cành to hoặc chính thân bắt buộc chúng ta phải diệt tận gốc, để lâu dài sẽ dẫn tới cây còi cọc, khô héo và chết cây.

Phòng trừ bằng cách cắt bỏ cành bị hại nặng, chích thuốc trừ sâu vào lỗ đục (Dùng thuốc cypermap 25EC, Map permethrin 50EC…), có thể rải ít Basudin 10 H, dùng móc sắt bắt sâu.

Nhện đỏ, nhện trắng

2 loại nhện đỏ và nhện trắng phổ biến trên các loại cây có múi gây hại tới sinh trưởng và năng suất cây cam. Bạn có thể sử dụng thuốc hoá học khi mật số Nhện đạt 3 con thành trùng /lá hoặc trái.

Sử dụng các loại thuốc đặc trị Nhện, các loại thuốc trừ Sâu gốc Cúc hoặc Lân hữu cơ kết hợp với Dầu khoáng. Ðể ngăn chặn sự bộc phát tính kháng thuốc, khi sử dụng thuốc hóa học cần luân phiên các loại thuốc có gốc hóa học khác nhau. Có thể sử dụng các loại thuốc như Comite, Trebon, Pegasus, Bi 58, Kelthane, Danitol, Ortus 5SC, Selecron 500EC/ND… (theo liều lượng khuyến cáo) và Dầu khóang DC-Tron Plus (nồng độ 0,5%)…

Bệnh Bồ hóng

Bệnh bồ hóng trên Cam sành thường xuất hiện nơi râm mát, và đây là bệnh kế phát sau khi có sự hiện diện của côn trùng họ chích hút. Nấm phát triển trên bề mặt lá, cành non, tạo thành lớp dày che kín cả mặt lá, thân, trái.

Hạn chế sự phát triển của nhóm côn trùng họ chích hút, bằng các loại thuốc đặc trị cho từng nhóm côn trùng chích hút ấy. Dùng máy phun nước lên tán cây rửa trôi các chất thải của côn trùng họ chích hút thải ra. Hạn chế sử dụng phân bón qua lá, nếu phun phân bón qua lá nhiều bệnh gây hại ngày càng nặng hơn. Phun thuốc trị khi bệnh nặng: Copper B 75 WP, Derosal 60 WP, Kumulus 80 DF, Champion 77 WP với nồng độ 0,2-0,5 hoặc Chlorine 0,04%, phun 7-10 ngày/lần.

Thu hoạch cam Sành

Thu hoạch cam Sành

Thu hái và bảo quản Cam Sành

Tiến hành thu hoạch cam sành khi thấy quả có màu đỏ da cam và vàng lá cam 1/3 – ¼ diện tích vỏ quả thì thu hoạch. Nên tiến hành thu hoạch vào ngày nắng ráo để Cam Sành tươi ngon, không bị dập nát.

Bên ngoài có lớp vỏ cùi dày nên bạn có thể bảo quản Cam sành được khá lâu trong tủ lạnh ở nhiệt độ 2 – 4 độ C, hoặc bạn để tự nhiên bên ngoài được 3-5 ngày mà không sợ hỏng, tuy nhiên tốt nhất là bảo quản tủ lạnh sẽ giữ được hương vị thơm ngon của chúng

Như vậy là các bạn đã nắm vững được kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Cam Sành rồi. Nếu có câu hỏi thắc mắc thêm đừng ngại để lại câu hỏi cho chúng tôi để được các chuyên gia giải đáp. Chúc các bạn áp dụng thành công và sở hữu vườn cam Sành sai trĩu quả nhé!

CÁC TIN LIÊN QUAN