Nho là giống cây ăn trái thuộc loại cây leo có tua cuốn thường leo trên tường đá hoặc thân cây. Lá đối xứng, bản lá to có hình hơi giống trái tim, có xẻ thùy. Hoa nhỏ, có màu hơi xanh, lưỡng tính và cân đối. Quả mọng, thành chùm, có kích thước tùy thuộc vào từng loại giống. Nho là loại cây ưa nắng và phù hợp trồng ở những nơi có nhiệt độ cao. Ở nước ta, Ninh Thuận là nơi có khí hậu nắng nhiều, khô khan rất thích hợp để trồng nho. Đặc biệt, ở đây có kỹ thuật trồng nho rất tốt nhờ áp dụng kỹ thuật trồng và leo giàn tiên tiến.
Kỹ thuật trồng và leo giàn Nho
Có nhiều kiểu tạo tán cho cây Nho ghép nhưng kiểu làm giàn và tạo tán qua đầu thông dụng, dễ làm và đạt hiệu quả tối ưu vì nó giúp cho cây nho ít sâu bệnh, dễ chăm sóc và đạt năng suất cao nhất.
Quy cách trồng Nho
Đầu tiên tiến hành trồng nho theo quy cách cây cách cây 1,5m và hàng cách hàng 2,5m, sau đó làm giàn và cắm cây choái cho nho bò lên giàn. Giàn phải đạt chiều cao tối thiểu là 1,7m (cao quá khó chăm sóc, thấp quá sẽ khó đi lại).
Trồng trụ gỗ hoặc trụ bê tông dọc theo hàng nho với khoảng cách trung bình 10m/cây, 2 trụ biên cắm xiên 30 độ và neo chắc chắn. Trên hàng trụ kéo 1 đường kẽm có: 4mm cho căng cứng và nằm trên đầu mỗi trụ, dùng kẽm có: 1mm hoặc cước có: 2mm đan lưới ô vuông trên giàn với độ rộng 20 – 25cm.
Bấm ngọn, tạo tán cho Nho
Sau khi ghép giàn nho xong, nho sẽ lên chồi, chọn 1 chồi khỏe nhất cho lên giàn, buộc dây vào cây choái cho chắc chắn cho gió không làm hỏng ngọn. Khi ngọn nho vượt khỏi giàn 20-30cm, bấm bỏ ngọn thân chính ở dưới mặt giàn, cây nho sẽ mọc nhiều cành mới, giữ lại 2 cành khỏe nhất ngược chiều nhau và buộc dây cho nằm trên giàn theo 1 đường thẳng ngược chiều nhau dọc theo hàng nho, gọi là 2 tay chính.
Khi 2 tay chính dài 0,75m (giữa 2 cây nho) thì bấm ngọn cho ra cành xương cá (cành thứ cấp), các cành xương cá mọc ngược chiều nhau và bò từ hàng nho này sang hàng nho kia. Khi cành xương cá dài 1,25m (đoạn giữa 2 hàng nho) thì bấm ngọn. Tùy từng giống nho và điều kiện dinh dưỡng mà giữ lại khoảng từ 10 – 20 cành xương cá, dày quá sẽ sinh sâu bệnh, không tốt (trên cành xương cá bấm bỏ tất cả các chồi nách). Trong quá trình tạo tán, phải buộc dây chắc chắn vào giàn cho gió không làm hỏng ngọn nho.
Khi đã bấm ngọn xương cá, không cho nho ra ngọn nữa mà tập trung nuôi cho thân xương cá mập khỏe để chuẩn bị cắt cành cho ra hoa, lấy trái. Thông thường, quá trình lên giàn, cây nho sẽ ra hoa và kết trái, nhưng rải rác, không tập trung và sẽ làm mất sức cây nho nên cần cắt bỏ.
Kỹ thuật cắt cành lấy trái
Khi cây nho đạt 10 tháng tuổi, tiến hành cắt cành cho trái. Khi cắt cành, cây nho sẽ chấm dứt giai đoạn sinh trưởng và tập trung dinh dưỡng cao nhất vào mắt nho giúp nho nảy mầm và ra hoa, kết trái đồng loạt, tạo điều kiện thuận lợi cho khâu chăm sóc, bảo quản và thu hoạch.
Thời điểm cắt cành
Thời điểm cắt cành nho lấy trái phụ thuộc vào thời điểm thu hoạch (giá cả thị trường) và điều kiện thời tiết (chọn thời điểm nắng nhiều, cường độ chiếu sáng cao, tránh mưa bão gây hư hại hoa). Thông thường khi cắt cành khoảng 3 tháng sau thì thu hoạch (quy trình cụ thể như sau: Cắt cành 10 ngày sau nảy mầm, 20 ngày ra hoa, 25 – 30 ngày đậu trái, 35 – 60 ngày lớn nhanh, 60 – 80 ngày trái chuyển màu, 90 ngày thu hoạch, 120 ngày sau cắt cành cho ra trái vụ.
Kỹ thuật cắt cành
Trong bộ cành xương cá, chọn những cành to khỏe, lớn ít nhất bằng cây bút chì, dài hơn 1m, cắt ở vị trí mắt thứ 6 – 8. Số cành không đạt yêu cầu, cắt bỏ ở mắt thứ 1 – 2 để tạo cành dinh dưỡng cho kỳ thu hoạch vụ sau.
Khi hoa xuất hiện, cột cố định cành mang hoa để gió khỏi làm hỏng, khi cành mang hoa dài 1,25m thì bấm ngọn và tỉa chồi nách cho cây nho tập trung dinh dưỡng nuôi hoa, trái (không phun thuốc trừ sâu lúc hoa nở sẽ làm hỏng hoa), một dây nho chỉ để 2 chùm nho, dày quá sẽ làm nhỏ trái, trong chùm nho tỉa bỏ trái dẹt, dày, để lại khoảng 40 – 60% số trái trong một chùm cho to trái.
Sử dụng thuốc kích thích
Sau khi áp dụng kỹ thuật tạo tán cho cây Nho, sau một thời gian cây đậu trái bà con có thể sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng GA3 xịt trực tiếp lên trái để làm tăng kích thước và trọng lượng trái, xịt KNO3 hoặc ETHREL lúc cắt cành sẽ kích thích cây ra hoa kết trái đồng loạt. Dùng ETHREL chấm vào cuống chùm nho trước khi thu hoạch 1 tuần lễ sẽ giúp màu trái nho đồng đều, trái tươi hơn. Chú ý ngưng phun thuốc trừ sâu trước 15 ngày thu hoạch để bảo đảm an toàn thực phẩm.
Trên đây là kỹ thuật cơ bản hướng dẫn bà con cách tạo tán, leo giàn cho cây Nho ghép. Với kỹ thuật này sẽ giúp vườn nho của bà con ít sâu bệnh, dễ chăm sóc và đạt năng suất cao nhất… Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn, giải đáp nhé.